CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ VÀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

Từ 16/05/2017 theo quy định tại thông tư 02/2017/TT-BKHĐT nhà đầu tư nước ngoài đăng ký công ty được quyền lựa chọn thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp liên thông hoặc thực hiện tách biệt hai thủ tục nói trên theo quy định cũ. Luật sư xin đưa ra sự so sánh giữa hai quy trình thực hiện thủ tục thành lập công ty nước ngoài để nhà đầu tư tiện lựa chọn.

Cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp liên thông

Quy định này hướng dẫn thực hiện Điều 24 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2014 cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020, ngày 18/4/2017. Theo đó khi thực hiện thủ tục theo cơ chế này nhà đầu tư được thực hiện đồng thời thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng quản lý đầu tư – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố hoặc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, thành phố. Cụ thể:

– Hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được nộp đồng thời.

– Nhà đầu tư được nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp luôn mà không phải thực hiện hai bước công việc như thủ tục cũ.

Thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp có gì thay đổi theo cơ chế mới

Như tôi đã phân tích quy chế phối hợp liên thông chỉ giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính và thống nhất một cơ quan giải quyết toàn bộ thủ tục thành lập công ty nước ngoài để nhà đầu tư tiện thực hiện thủ tục hành chính. Cơ chế mới không thay đổi nội dung hồ sơ và đầu mục tài liệu cần cung cấp trong thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký doanh nghiệp như đã hướng dẫn tại nghị định 118/2015/NĐ-CP, nghị định 78/2015/NĐ-CP và biểu mẫu ban hành tại thông tư 16/2015/TT-BKHĐT và thông tư 20/2015/TT-BKHĐT. Quý vị cần hỗ trợ các thủ tục này vui lòng tham khảo đường dẫn sau

So sánh ưu, nhược điểm giữa cơ chế liên thông mới và có chế đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cũ

  1. Thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy chế cũ thì nhà đầu tư được quyền đăng ký các ngành nghề kinh doanh không bắt buộc phải gắn với việc thành lập dự án mặc dù trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không có mục tiêu này. Đây là một lợi thế không nhỏ với những nhà đầu tư mong muốnthành lập công tytrước rồi mới tiến hành thủ tục thuê nhà xưởng để triển khai các hoạt động kinh doanh sau.
  2. Thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông lại giúp:

– Loại bỏ các hồ sơ trùng lặp giữa hai thủ tục như bản sao giấy chứng thực cá nhân, pháp nhân của nhà đầu tư; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

– Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.

– Giảm thiểu công sức đi lại vì thực hiện thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan so với thủ tục cũ.

– Không phải lo lắng vì việc áp mã ngành nghề kinh doanh cho các mục tiêu dự án đã đăng ký.

Cách thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế liên thông

Các trường hợp thực hiện cơ chế liên thông

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2017/TT-BKHĐT thì có 3 trường hợp thực hiện cơ chế liên thông bao gồm:

 1. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2014.

2. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư 2014.

3. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh đồng thời nội dung đăng ký doanh nghiệp và nội dung đăng ký đầu tư.

Nguyên tắc áp dụng trong cơ chế liên thông

Để đảm bảo cơ chế liên thông được thực hiện và xác định rõ trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký đầu tư cũng như doanh nghiệp, Thông tư đã quy định một số nguyên tắc cơ bản áp dụng trong cơ chế liên thông như sau:

1. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư (ĐKĐT) và đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) theo cơ chế liên thông theo quy định tại Thông tư 02 này hoặc thực hiện từng thủ tục theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Nhà đầu tư tự kê khai hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ ĐKĐT, ĐKDN. Số lượng bộ hồ sơ đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp.

3. Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh phối hợp, trao đổi thông tin và chỉ yêu cầu nhà đầu tư nộp một bản trong trường hợp hồ sơ ĐKĐT và hồ sơ ĐKDN có sự trùng lặp giấy tờ.

Trong trường hợp này, Cơ quan đăng ký đầu tư lưu giữ bản do nhà đầu tư nộp và có trách nhiệm gửi bản sao giấy tờ nêu trên cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Bản sao do Cơ quan ĐKĐT cung cấp được xem là bản sao hợp lệ theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP.

4. Cơ quan ĐKĐT, Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của hồ sơ, tài liệu trong quá trình bàn giao hồ sơ và có trách nhiệm phối hợp xác nhận việc giao nhận hồ sơ, tài liệu trong cơ chế liên thông.

5. Cơ quan ĐKĐT, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, xử lý hồ sơ ĐKĐT, ĐKDN theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp, chia sẻ thông tin và chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Cơ quan ĐKĐT ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với mỗi lần doanh nghiệp nộp hồ sơ trong một Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ ĐKĐT và ĐKDN.

6. Việc chống tên trùng và tên gây nhầm lẫn đối với tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập được xác lập kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Cơ quan ĐKĐT về việc hồ sơ ĐKDN hợp lệ.

7. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP được xác định kể từ thời điểm Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Trình tự thực hiện cơ chế liên thông theo thông tư 02

Thông tư đã quy định chi tiết về trình tự thực hiện cơ chế liên thông tương ứng với từng trường hợp liên thông. Theo đó, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, cơ chế liên thông được thực hiện qua hình thức liên thông điện tử thông qua việc sử dụng Hệ thống thông tin xử lý liên thông. Trình tự, thủ tục chi tiết được quy định tại Điều 6 Thông tư và được khái quát theo sơ đồ dưới đây:

Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ĐKĐT

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ĐKĐT và Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT và gửi thông tin sang Cơ quan đăng ký kinh doanh

Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp và chuyển Giấy chứng nhận ĐKDN tới Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ĐKĐT

Bước 5: Bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ĐKĐT trả Giấy chứng nhận ĐKDN và Giấy chứng nhận ĐKĐT cho nhà đầu tư

Trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế liên thông trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cũng như trường hợp điều chỉnh đồng thời nội dung ĐKĐT và nội dung ĐKDN được quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư.

Ngoài ra, để đảm bảo cho cơ chế liên thông được thực hiện ngay cả trong các trường hợp bất khả kháng, Thông tư cũng có quy định về việc thực hiện cơ chế liên thông theo quy trình dự phòng. Trong trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo cụ thể về thời gian áp dụng.

Trên đây là một số chia sẻ các điểm mới trong thủ tục thành lập công ty vốn nước ngoài luật sư cập nhật để nhà đầu tư tham khảo.